Tổng quan về bệnh thủy đậu (trái rạ)
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus varicella zoster gây ra, rất dễ lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua giọt bắn từ người bị nhiễm bệnh khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ vật mới bị dính giọt bắn hoặc chất lỏng từ mụn nước của người bị nhiễm bệnh.
Người lành có thể mắc bệnh thủy đậu trong vòng 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Người bị nhiễm bệnh thường có khả năng lây nhiễm một hoặc hai ngày trước khi phát ban xuất hiện cho đến khoảng một tuần sau khi các nốt mụn nước ngừng hình thành và đóng vảy. Người bệnh sẽ phát ban đỏ khắp cơ thể, kèm theo triệu chứng mệt mỏi hoặc sốt. Các nốt ban đỏ nhanh chóng biến thành mụn nước chứa đầy dịch và cuối cùng đóng thành vảy, bong ra sau 1 đến 2 tuần.
Bệnh thuỷ đậu chủ yếu tấn công trẻ em nhưng nghiêm trọng ở người lớn và thanh thiếu niên, những đối tượng này có thể gặp các biến chứng nặng hơn.
Bệnh thủy đậu khi xâm nhập vào cơ thể có bốn giai đoạn: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục.
Ủ bệnh: Thời gian từ 2 đến 3 tuần. Tùy vào sức khỏe và miễn dịch của người nhiễm bệnh mà thời gian ủ bệnh có thể khác nhau.
Khởi phát: Người bệnh có các triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, đau họng,… Sau 1 – 2 ngày, da nổi mẩn đỏ ngứa ở nhiều vùng, một số người còn bị viêm họng, nổi hạch ở tai.
Toàn phát: Các mụn nước nhỏ nhanh chóng xuất hiện trong vòng 1 ngày, rồi biến thành các mụn nước tròn đường kính từ 1-3mm, bên trong có dịch trắng hoặc trắng đục, nếu không chăm sóc đúng cách có thể gây bội nhiễm, xuất hiện mủ tại nốt mụn nước. Mụn nước xuất hiện nhiều đợt ở các vùng da, đặc biệt ở mặt và thân thể, ít hơn ở tay chân. Người bệnh có thể có từ vài mụn nước đến hàng trăm mụn nước trên khắp cơ thể.
Ban thủy đậu thường xuất hiện có màu hồng hoặc đỏ sau 24h sẽ thành mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng nổi lên nhanh sau 1-2 ngày sẽ vỡ và chảy dịch. Trong dịch có nhiều virus và rất dễ lây bệnh cho người khác qua tiếp xúc gián tiếp như: dùng chung đồ dùng cá nhân, đồ vật của người mắc bệnh,… Bệnh thường nhẹ ở người có sức đề kháng khỏe mạnh, nhưng đôi khi vết phát ban có thể nhiều và phủ kín cơ thể, tổn thương có thể ở mắt, niêm mạc, hậu môn, âm đạo,…
Hồi phục: Bệnh thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần, sau đó vết thương sẽ đóng vảy và lành từ 1 đến 3 tuần tiếp theo. Nếu không có biến chứng nguy hiểm thì các mụn nước sẽ khô và lành. Nếu người bệnh bị nhiễm trùng thì các mụn nước sẽ để lại sẹo lõm mãi mãi.
Các biến chứng liên quan đến bệnh thủy đậu rất hiếm nhưng ở trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Người lớn khi mắc thủy đậu thường dễ xuất hiện nhiều biến chứng hơn so với trẻ nhỏ. Biến chứng ở người lớn thường gặp nhất là:
- Nhiễm trùng da
- Viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phổi…, thậm chí gặp biến chứng viêm thận cấp nguy hiểm đến sức khỏe.
- Có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân khi gặp biến chứng viêm não hoặc viêm màng não.
- Nếu mắc thủy đậu ở 3 tháng đầu thai kỳ, sẽ có nguy cơ gây sảy thai hoặc gây thủy đậu bẩm sinh dẫn đến các dị tật như bại não, đầu nhỏ, tay chân co gồng…
Bên cạnh đó, các biến chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em cũng nguy hiểm không kém người lớn nếu không phát hiện kịp thời và có biện pháp điều trị đúng sẽ gây ra các biến chứng:
- Nhiễm trùng da ở mụn nước có thể để lại sẹo, vết sẹo có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti khi trưởng thành.
- Nhiễm trùng máu.
- Một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tiểu não…
- Zona thần kinh: Sau khi trẻ em được chữa khỏi bệnh, virus thủy đậu vẫn có thể ngủ đông tồn tại sâu trong các hạch thần kinh. Chúng có thể tái hoạt động khi gặp điều kiện thuận lợi, gây bệnh zona sau 10, 20 thậm chí suốt đời,….
Nâng cao ý thức phòng bệnh thủy đậu bằng vắc xin
Cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả và tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên. Tiêm phòng vắc xin giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu một cách hiệu quả và bền vững. Vắc xin thủy đậu hiện nay đều được chứng minh an toàn và có hiệu quả cao. Nếu đã tiêm đủ liều, khả năng mắc bệnh rất thấp, nếu có mắc thì các triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn rất nhiều.
Ngoài ra, người khỏe mạnh cũng nên tránh tiếp xúc với người bệnh để không bị lây nhiễm, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng mỗi ngày bằng nước muối, dùng riêng đồ dùng cá nhân, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đồ vật sinh hoạt,…. bằng các chất diệt khuẩn.
Những điểm giống và khác nhau khi điều trị bệnh trái rạ ở người lớn và trẻ em
Cách điều trị bệnh trái rạ ở người lớn và trẻ em có một số điểm giống và khác nhau như:
Điểm giống: Hiện nay bệnh thuỷ đậu không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh thủy đậu chủ yếu là giảm các triệu chứng và ngăn chặn sự phát tán của bệnh. Việc điều trị thường bao gồm nghỉ ngơi trong không gian thoáng khí, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống, đặc biệt tránh tiếp xúc với người khác.
Điểm khác biệt: Bệnh thủy đậu ở người lớn và trẻ em có một số điểm khác nhau về tính nghiêm trọng của bệnh, hệ miễn dịch và sử dụng thuốc điều trị. Cụ thể là:
- Tính nghiêm trọng của bệnh: Bệnh trái rạ ở người lớn thường nặng hơn so với trẻ em, vì người lớn có thể có các bệnh lý nền khác như tiểu đường, tim mạch, hô hấp hoặc miễn dịch suy yếu (phụ nữ có thai và người lớn tuổi) thêm yếu tố chủ quan, lơ là phòng bệnh nên nguy cơ biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm khớp hoặc suy hô hấp là rất cao. Ngược lại, trẻ em thường phục hồi nhanh hơn và ít bị biến chứng hơn.
- Hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch của người lớn và trẻ em cũng có sự khác biệt khi đối mặt với virus gây bệnh thủy đậu. Người lớn có thể đã tiếp xúc với virus trước đó và đã hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể, trong khi trẻ em chưa có kháng thể nên dễ bị nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mất/giảm dần kháng thể theo thời gian hoặc do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, chính vì vậy trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm phòng vắc xin thủy đậu đầy đủ để có kháng thể chống lại khi virus thủy đậu nếu bị tấn công.
- Sử dụng thuốc điều trị: Người lớn và trẻ em cũng có thể cần sử dụng các loại thuốc khác nhau để điều trị bệnh thủy đậu. Người lớn có thể dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát, trong khi trẻ em thì không nên dùng kháng sinh. Ngoài ra, người lớn cũng có thể dùng thuốc chống viêm như Acyclovir, Famciclovir hoặc Acyclovir để giảm đau và sưng, trong khi trẻ em thì nên dùng Paracetamol, Ibuprofen hoặc Histamin để tránh gây ra biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến gan và não.