Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, vi sinh vật đường ruột ở lợn thí nghiệm đã thay đổi theo hướng thuận lợi hơn sau hai tuần những con lợn này được ăn chế độ ăn nhiều cà chua.
Dù gọi là trái cây hay rau củ, cà chua luôn giữ một vị trí cố định trong giỏ rau củ của chúng ta. Từ việc ăn sống, làm salad, nấu canh... cho đến làm món cà ri và tương ớt… con người gần như sử dụng cà chua hàng ngày.
Ngoài tính năng siêu linh hoạt, loại trái cây này còn chứa nhiều đặc tính có lợi cho sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, vitamin C, chất chống oxy hóa... có trong cà chua giúp thúc đẩy làn da đẹp, giảm viêm và tăng cường sức khỏe miễn dịch.
Cà chua cũng có thể giúp tăng cường sức khỏe đường ruột. Một nghiên cứu gần đây, được công bố trên tạp chí Microbiology Spectrum phát hiện ra rằng, "cà chua mang lại lợi ích thông qua việc điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột".
Nghiên cứu ban đầu được tiến hành trên lợn non. Các nhà khoa học đã khảo sát 20 con lợn trong 14 ngày. Những con vật này được chia thành hai nhóm - 10 con đầu tiên được cho ăn theo chế độ tiêu chuẩn và 10 con còn lại được cho ăn thêm bột đông khô làm từ cà chua.
Kết quả, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những con lợn, với chế độ ăn nhiều cà chua đã làm tăng vi khuẩn trong ruột của chúng. Cụ thể, các vi sinh vật đường ruột ở lợn đã thay đổi theo hướng thuận lợi hơn sau hai tuần ăn chế độ ăn nhiều cà chua.
Tác giả cao cấp của nghiên cứu, Jessica Cooperstone cho biết: "Đây là cuộc điều tra đầu tiên về việc tiêu thụ cà chua có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật như thế nào. Chúng tôi đã ghi nhận lại những loại vi khuẩn có mặt cũng như mức độ phong phú tương đối của chúng đã thay đổi ra sao khi ăn cà chua".
Theo một báo cáo trên ANI, sau khi quan sát kết quả bằng một biện pháp can thiệp ngắn hạn, các nhà nghiên cứu quyết định tiến hành một nghiên cứu tương tự trên người để thiết lập mối liên hệ giữa cà chua và hệ vi sinh vật đường ruột.
"Nghiên cứu đó sẽ cho thấy cà chua mang lại lợi ích thông qua việc điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột của người" – nhà khoa học Cooperstone nói.