Câu nói của Phương Huỳnh (học sinh lớp 9, ở Q.4, TP.HCM) với một cụ già quờ quạng đi trong hẻm khiến chị Phương Hằng, mẹ của Phương Huỳnh vô cùng thất vọng và lo lắng. Chị Hằng luôn tự hào về con vì Huỳnh thông minh, học giỏi, có nhiều kiến thức xã hội, ai ngờ...
Càng ngày, Huỳnh càng bộc lộ tính nóng nảy, hay cáu gắt trước những chuyện hết sức nhỏ nhặt. Huỳnh dễ căng thẳng, thiếu kiềm chế. Giữa tháng 3/2010, chị Hằng được cô chủ nhiệm mời lên trường để trao đổi về việc học của Huỳnh.
Trong giờ kiểm tra toán, loay hoay mãi không giải được bài toán nâng cao, máy tính lại bị một bạn mượn làm hư, Huỳnh đã mắng nhiếc, ném máy tính vào lưng bạn, gây mất trật tự lớp học. Cô giáo khiển trách Huỳnh vì cho rằng hành vi đó thể hiện sự thiếu tôn trọng cô. Không xin lỗi, Huỳnh còn xé bỏ tờ giấy kiểm tra, đùng đùng bước ra khỏi lớp.
Trước đây, chị Kim Trang (thợ may, ở Q.Tân Bình) vẫn mừng thầm vì thấy Kim Châu (con gái học lớp 10), chỉ tập trung việc học. Đọc blog của con, chị Trang mới biết con đang có rất ít bạn bè thân. Với Châu, hầu hết các bạn đều xấu và... dở hơi. Thử bắt chuyện với các bạn học của con gái, chị Trang biết ở trường, Châu là một người tự kiêu, khinh bạn, không hòa đồng và không biết lắng nghe người khác. Mỗi khi có ý kiến phản bác, Châu khăng khăng cho ý kiến của mình là đúng. Chưa đợi bạn nói rõ, Châu đã gạt phăng và nặng lời chê trách, dè bỉu. Ở nhà, mỗi khi muốn cha mẹ đáp ứng điều gì, Châu thường nóng vội, nông nổi và gây áp lực chứ không biết dùng lời lẽ thuyết phục.
Trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ học sinh tại Trường Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng (TP.HCM) với chủ đề "Giúp con quản lý cảm xúc" (cuối tháng 1/2010), Thạc sĩ Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng chỉ số thông minh - IQ chỉ chiếm khoảng 25% chi phối sự thành đạt trong khi chỉ số cảm xúc - EQ lại chiếm đến 75%.
Người lớn cần giúp trẻ kiềm chế cảm xúc tiêu cực, giúp trẻ nâng IQ. Qua buổi nói chuyện, hơn 500 phụ huynh của trường nhận diện rõ những biểu hiện của EQ để phát huy ở con cái: sự nhạy cảm, hòa đồng, khả năng giải quyết tình huống, tinh thần hợp tác, lạc quan, kiềm chế cảm xúc, thông cảm và chấp nhận người khác... Cha mẹ cũng phải nghiêm khắc khiển trách khi con cái có những biểu hiện xấu: cố chấp, khó tha thứ, hay đố kỵ, hồ nghi, ít quan tâm, dễ giận dữ, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì.
Tùy độ tuổi, tùy tình huống, mỗi phụ huynh có thể giúp con điều chỉnh hành vi. Chị Phương Hằng đặt tình huống giả định với con: "Sau này con trở thành người già, mắt mờ chân yếu, gia cảnh neo đơn thì con sẽ nghĩ gì nếu người khác không giúp đỡ, mà còn lớn tiếng trách mắng?". Không la rầy, đánh đập những tình huống chị đặt ra khiến Huỳnh thấy "đau" và thay đổi dần cách hành xử. Mỗi khi Huỳnh có tiến bộ (dù chỉ chút ít), chị Hằng liền khen ngợi, khích lệ ngay.
Khi con còn bé, cha mẹ đã phải uốn nắn cảm xúc cho con: phạt khi con giận dữ, thưởng khi con biết chia sẻ. Tuy nhiên, ở tuổi teen, cha mẹ phải luôn cập nhật "bài mới" cho con. Cha mẹ cần tạo điều kiện cho con vừa học vừa chơi với bạn bè để rèn kỹ năng giao tiếp trong những hoàn cảnh cụ thể, thực tế.