Theo
khuyến cáo của WHO, tại những vùng dân cư có tỉ lệ nhiễm giun từ 1-10%,
người dân chỉ cần tẩy giun 2 năm/lần, thay vì 2 lần/năm.
Giun
sán là bệnh rất phổ biến tại những nước đang phát triển, tuy nhiên cho
đến nay vẫn bị xếp vào nhóm những bệnh “bị lãng quên”, ít người quan
tâm.
Trong
khi theo thống kê, Việt Nam có khoảng 45 triệu người bị nhiễm giun sán,
trong đó có khoảng 8,5 triệu trẻ em. Hàng năm người dân tiêu tốn 1,5
triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun và nhiễm giun.
Nhóm
nguy cơ cao dễ mắc bệnh giun sán có khoảng 4 triệu trẻ em mầm non và
mẫu giáo, 6 triệu học sinh và 19 triệu phụ nữ tuổi sinh sản.
Học sinh cấp 1 trường Tiểu học Hạ Bì (Kim Bôi, Hoà Bình) được uống thuốc tẩy giun miễn phí
Hiện
nay, tỉ lệ nhiễm giun ở trẻ em tại nhiều vùng nông thôn vẫn ở mức trên
50%, có nơi tới gần 80% như Nghệ An (77,9%), Thanh hoá (76,4%). Trong đó
tỉ lệ nhiễm giun đũa cao nhất (gần 40%), kế đó là giun tóc, giun móc.
Tỉ lệ nhiễm phối hợp cùng lúc 2-3 loại giun tại miền Bắc rất cao, lên
tới 60-70%.
Nguyên
nhân do điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém như: đi tiêu
bừa bãi còn phổ biến; tỉ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; thói
quen sử dụng phân tươi để bón ruộng, ít có thói quen rửa tay hàng ngày…
Do đó lâu nay các bậc phụ huynh luôn quen với khuyến cáo cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho trẻ.
Tuy
nhiên ông Trần Công Đại, cán bộ kỹ thuật của WHO cho biết, thời gian
định kỳ tẩy giun sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ nhiễm giun của vùng dân cư, chứ
không cứng nhắc 2 lần/năm.
Cụ
thể, sau 5-6 năm tẩy giun định kỳ cho các nhóm nguy cơ cao (trẻ em mẫu
giáo, học sinh tiểu học, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ), nếu tỉ lệ nhiễm giun
dưới 1% thì không cần chiến dịch tẩy giun.
Tỉ
lệ nhiễm từ 1% đến dưới 10% chỉ cần tẩy 2 năm/lần. Từ 10-20% thì tẩy
giun 1 năm/lần; từ 20-30% cần tẩy giun 2 lần/năm và nếu tỉ lệ trên 50%
thì tẩy giun 3 lần/năm.
Căn cứ theo đó, mỗi địa phương sẽ quyết định thực hiện các chiến dịch tẩy giun cụ thể.
Riêng
tại 4 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hoà Bình, Phú Thọ – nơi có tỉ lệ trẻ em
nhiễm giun cao nhất miền Bắc, dự án Phòng chống các bệnh giun truyền qua
đất do Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức Phi
chính phủ đã thực hiện cho gần 700.000 học sinh uống thuốc giun đồng
loạt trong 2 ngày 28-29/11, tiến tới kiểm soát, triệt tiêu bệnh này.
Các
bằng chứng cho thấy, trứng giun có thể tồn tại trong nhiều tháng. Khi
nhiễm giun sẽ gây nhiều tác hại như thiếu máu, thiếu vitamin, suy dinh
dưỡng, gây bệnh gan mật, phổi, nhiều trường hợp nặng còn có thể tử vong