Trẻ em có sức đề kháng yếu, do vậy công tác bảo đảm VSATTP ở trẻ nhỏ cần được hết sức quan tâm tránh những hậu quả đáng tiếc do ngộ độc thực phẩm gây ra.
Trong gia đình và tại các trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú cần xây dựng nguyên tắc chế biến thực phẩm là yêu cầu bắt buộc những người phụ trách dinh dưỡng tuân thủ việc chọn lựa và chế biến thực phẩm. Bởi dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này có vai trò quan trọng đến sự phát triển của trẻ. Trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo còn nhỏ nên phải dựa vào sự giúp đỡ của các cô giáo trong việc chơi, học, ăn, ngủ... vì vậy, bên cạnh vai trò của giáo viên trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc trẻ thì việc cấp dưỡng, lựa chọn thực phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn. Ở các trường tổ chức bán trú, hằng ngày lượng thực phẩm mua vào nhiều nên phải đăng ký mua thực phẩm ở những nơi sản xuất sạch, thực phẩm uy tín, chất lượng, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Trước khi chế biến, các loại rau, củ, quả cần được khử trùng. Nước uống cho trẻ là nước tinh khiết, được sản xuất từ cơ sở sản xuất đã được cấp phép của cơ quan y tế dự phòng. Bếp ăn cần được thiết kế theo quy chuẩn bếp ăn một chiều, trước và sau khi chế biến cần vệ sinh sạch sẽ toàn bộ dụng cụ và khu vực nhà bếp. Xây dựng thực đơn cho trẻ cần có sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, thực đơn thay đổi thường xuyên, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi và theo mùa, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, cân đối về lượng và chất cho trẻ. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp giữa phụ huynh với các chuyên gia dinh dưỡng để các bậc phụ huynh hiểu biết và nắm rõ hơn về vấn đề dinh dưỡng của con. Ngoài ra, phải tẩy giun, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ và người trực tiếp chăm sóc trẻ. Cô Nguyễn Thị Tuyết Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Vân (xã Nam Vân, Thành phố Nam Định) cho biết: Hằng năm, trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng kiến thức về dinh dưỡng và tập huấn các kiến thức về VSATTP cho đội ngũ cấp dưỡng của trường. Đầu năm học 2011-2012, trường đã cử một số cấp dưỡng và giáo viên đi học lớp bồi dưỡng kiến thức về VSATTP do Phòng GD và ĐT thành phố tổ chức, sau đó tổ chức cho 100% giáo viên trong trường học cách tổ chức hệ thống bếp ăn một chiều, cách tổ chức bữa ăn cho trẻ, chăm sóc trẻ, chấm biểu đồ cân đo, hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay, rửa mặt trước khi ăn…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia đã có hệ thống bếp ăn một chiều đạt chuẩn, đáp ứng các tiêu chí về VSATTP. Hằng năm, ngành học Giáo dục mầm non phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ giáo dục cấp tỉnh về công tác chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng mở rộng, chống suy dinh dưỡng, VSATTP, phòng chống ngộ độc cho trẻ trong các trường mầm non; phối hợp với Trường Dạy nghề Du lịch Thương mại và dịch vụ tỉnh mở lớp đào tạo giáo viên dinh dưỡng cho giáo viên cho các trường bán trú. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố đều mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho giáo viên dinh dưỡng. Ngoài ra, Sở GD và ĐT còn phối hợp với các ngành chức năng đề ra nhiều biện pháp bảo đảm VSATTP, phòng chống ngộ độc thức ăn trong các trường học, đồng thời chỉ đạo việc thực hiện xây dựng bếp ăn một chiều, bếp ít khói, hợp vệ sinh, công trình vệ sinh, nước sạch đúng quy cách. Một số nơi có điều kiện còn khuyến khích phát triển hệ sinh thái VAC để cung cấp nguồn thực phẩm sạch tại chỗ. Do đó việc thực hiện quy chế VSATTP trong các trường mầm non, tiểu học trong tỉnh được thực hiện khá nghiêm túc. Trong nhiều năm qua, các cấp học tổ chức bán trú ở tỉnh ta không để xảy ra các vụ NĐTP. Hằng năm, Phòng GD và ĐT Thành phố Nam Định phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tổ chức kiểm tra tại các trường tổ chức bán trú về các điều kiện VSATTP, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kiến thức VSATTP và khám sức khỏe định kỳ cho người quản lý và trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm nhằm bảo đảm VSATTP cho học sinh.
ATVSTP là một trong những tiêu chí quan trọng đối với sự phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ. Quan tâm, đảm bảo chất lượng và ATVSTP cho các em là công việc phải tiến hành thường xuyên của các ngành chức năng, các trường học và các bậc cha mẹ học sinh./.