Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Bệnh thủy đậu có lây không?
Bệnh thủy đậu có khả năng lan lan rất nhanh từ người này sang người khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 90% người chưa mắc thủy đậu, hoặc chưa tiêm vắc xin sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với những giọt nước bọt bắn ra ngoài khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ nốt phỏng thủy đậu của người đang nhiễm bệnh.
Virus Varicella Zoster – tác nhân gây thủy đậu có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu trước khi bong ra tồn tại trong không khí. Người mắc thủy đậu thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
Trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân sẽ bị sốt, mệt mỏi nhẹ toàn thân trong khoảng 2 – 3 ngày. Nếu thời gian sốt kéo dài hơn, trẻ nhỏ có biểu hiện sốt cao trên 39 độ kèm thở khó khăn, co giật, người lớn sốt trên 39,5 độ thì cần đến gặp bác sĩ ngay. Vì rất có thể bệnh đã biến chứng, rất cần được can thiệp và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc sau này.
Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước.
Khi bị thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100-500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4-5 ngày. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5-10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học hoặc nghỉ đến nơi giữ trẻ.
Bệnh thủy đậu lây qua đường nào?
Thủy đậu có khả năng lây nhiễm trong thời gian từ 1 – 2 ngày trước khi các nốt ban, mụn nước xuất hiện và thường không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp bọng nước đầu tiên (Sự lây truyền có thể kéo dài hơn ở những người bị thay đổi miễn dịch). Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng đau đầu và đau cơ tại thời điểm đó. Sau khi phát ban, bệnh vẫn tiếp tục lây lan cho đến khi các mụn nước cuối cùng khô lại và các vảy bong tróc ra. Phương thức lây truyền thủy đậu chủ yếu bằng 3 con đường sau:
- Lây trực tiếp qua đường hô hấp: Virus gây bệnh tồn tại trong các giọt nước bọt li ti rất nhỏ có trong không khí, phát ra từ người nhiễm bệnh khi người này nói chuyện, ho, hắt hơi. Tình trạng này được gọi là nhiễm trùng giọt bắn.
- Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp (bằng cách chạm vào vật dụng cá nhân, quần áo của người bệnh).
- Đồng thời, bệnh còn có thể lây truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.
Mặt khác, khi tiếp xúc người bị bệnh zona (giời leo hay herpes zoster), người bình thường cũng có thể mắc thủy đậu. Những ai từng bị thủy đậu sẽ có nguy cơ mắc zona vào thời điểm vài năm sau hoặc thậm chí nhiều thập kỷ sau, vì virus có thể tồn tại ở hệ thần kinh rất dai dẳng.
Trong thời gian ủ bệnh thủy đậu có lây không?
Nghiên cứu dịch tễ cho thấy, thủy đậu thường xuất hiện và bùng phát mạnh vào mùa đông và đầu xuân. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 2-3 tuần, thông thường là 14 -16 ngày. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày. Đáng lo ngại, nhiều bậc phụ huynh lầm tưởng trong khoảng thời gian ủ bệnh thì bệnh sẽ không lây nhiễm. Nhưng KHÔNG! Ở giai đoạn ủ bệnh, mức độ lây nhiễm thủy đậu vẫn xảy ra. Trước khi phát ban 1-2 ngày, bệnh đã có thể lây nhiễm.
Vậy thủy đậu lây lúc nào là mạnh nhất? Theo các nghiên cứu, trong giai đoạn phát bệnh và toàn phát khi người bệnh bắt đầu xuất hiện những nốt mụn nước khắp cơ thể, khả năng lây nhiễm sang người khác là cao nhất. Sau giai đoạn này, mức độ lây nhiễm sẽ giảm xuống, tuy nhiên nếu người bệnh không sớm hồi phục thì khả năng lây nhiễm vẫn có thể xảy ra.
Sau thời gian ủ bệnh, bệnh bắt đầu tiến vào giai đoạn khởi phát với những biểu hiện của thủy đậu thường gặp như: Sốt, đau đầu, đau cơ, phát ban… Trong một số trường hợp, nhất là ở trẻ em không có dấu hiệu bị thủy đậu rõ ràng.
Ở giai đoạn toàn phát, triệu chứng của bệnh thủy đậu thường là sốt cao, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ. Những mụn nước với đường kính 1–3mm xuất hiện toàn thân thậm chí xuất hiện cả trong niêm mạc miệng, gây ngứa rát, khó chịu cho người bệnh. Trong những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn. Khi nhiễm trùng, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Bệnh thủy đậu khi nào thì hết lây?
Varicella Zoster là loại virus có khả năng “ngủ lại” trong cơ thể sau lần đầu tiên nhiễm bệnh và sẵn sàng hoạt động trở lại ngay khi có điều kiện thuận lợi. Theo các bác sĩ chuyên khoa, thủy đậu chỉ không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác khi các nốt thủy đậu đã khô, đóng vảy, rồi bắt đầu bong tróc và không xuất hiện thêm một mụn nước nào mới trên cơ thể (thường không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp bọng nước đầu tiên nhưng có thể lâu hơn).
Người bệnh lúc này có thể ra ngoài vui chơi, học tập, công tác bình thường vì bệnh chỉ có nguy cơ lây nhiễm cao trước 1-2 ngày phát ban đến khi các vảy phát ban bong tróc hoàn toàn. Để giúp vảy thủy đậu nhanh bong hơn, người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý, thuốc xanh methylen nhằm giúp làm mềm vảy. Khi các vảy thủy đậu mềm đi sẽ dễ bóc ra khỏi bề mặt da. Tuy nhiên, lúc này vảy thủy đậu vẫn còn dính chắc, nếu cố gắng khiến chúng bong ra sẽ rất dễ làm da tổn thương và để lại sẹo.
Ngoài ra, quá trình lây truyền thủy đậu có thể kéo dài hơn ở những người bị thay đổi miễn dịch. Tỷ lệ tấn công thứ phát đối với những người có hệ miễn dịch yếu, sống cùng trong gia đình là 70 – 90%.
Trẻ sơ sinh có thể bị lây thủy đậu không?
Không chỉ trẻ em và người lớn, mà trẻ sơ sinh cũng là đối tượng dễ bị lây nhiễm thủy đậu. Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nó cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… thậm chí có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Phụ nữ khi mang thai nếu mắc thủy đậu có thể lây nhiễm và ảnh hưởng đến trẻ tùy thuộc vào tuổi thai mẹ đang mang.
- Mẹ bầu mắc thủy đậu trước tuần 28 thai kỳ: có tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh mắc bệnh lý bào thai do virus (tổn thương da, mắt, não, ruột, và bàng quang).
- Mẹ bầu mắc thủy đậu từ tuần 28 – 36 thai kỳ: virus có thể tồn tại trong cơ thể thai nhi nhưng không gây triệu chứng. Tuy nhiên, virus có thể hoạt động trở lại vài năm sau đó.
- Mẹ bầu mắc thủy đậu sau 36 tuần: trẻ sinh ra có thể bị thủy đậu.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc thủy đậu cao nhất nếu mẹ bị thủy đậu trong vòng 3 tuần cuối của thai kỳ cho đến vài ngày sau sinh, có đến 50% trẻ sinh có nguy cơ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Biểu hiện thủy đậu ở trẻ sơ sinh có thể khởi phát ngay sau sinh cho đến khi trẻ được 10-12 ngày tuổi.
Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu nên được cách ly với mẹ, không cho bú mẹ cho đến khi các tổn thương trên da của mẹ khô và lành. Đồng thời, trẻ sơ sinh bị thủy đậu hoặc có tiếp xúc (phơi nhiễm) với người mắc thủy đậu, nên được cách ly. Trường hợp trẻ phơi nhiễm nên xuất viện trước 10 ngày sau phơi nhiễm nếu có thể. Ngoài ra, trẻ bị thủy đậu từ trong bào thai không cần phải cách ly nếu trẻ không có tổn thương đang tiến triển.
Các phòng tránh lây bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh dễ mắc phải và lây lan nhanh chóng, vì thế cách phòng tránh lây lan thủy đậu là thắc mắc của không ít người. Những người tiếp xúc gần với người mắc thủy đậu là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất. Do đó, để ngăn ngừa khả năng lây nhiễm thủy đậu, người bệnh cần có chế độ chăm sóc đặc biệt và nên lưu ý những điều sau:
Ngoài ra, nếu trong gia đình hoặc bạn bè có người mắc bệnh thì cần thực hiện những biện pháp sau để phòng tránh bệnh lây lan:
- Cách ly người bị nhiễm bệnh với những người xung quanh từ 7-10 ngày kể từ ngày phát bệnh, tốt nhất nên để người bệnh ở trong phòng riêng, đặc biệt không tới những chỗ đông người để hạn chế lây lan diện rộng.
- Trẻ em bị thủy đậu không được đến trường hoặc nhà trẻ, phải luôn cắt tỉa móng tay trẻ gọn gàng. Đeo bao tay cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nhằm hạn chế bé cào/gãi không kiểm soát.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như: khăn mặt, cốc chén, quần áo…
- Vệ sinh thân thể cho người bệnh hàng ngày, không nên kiêng nước, kiêng gió theo kinh nghiệm dân gian. Nên tắm bằng nước nóng và không sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm có chứa hóa chất tẩy rửa mạnh để người bệnh nhanh khỏi bệnh, hạn chế lây lan bệnh.
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý khi có tiếp xúc gần với người bệnh.
- Sử dụng thuốc điều trị là xanh Methylen bôi ngoài da. Bên cạnh đó, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, người bệnh nên sử dụng thuốc hạ sốt khi có biểu hiện sốt cao trên 38.5 độ C và tránh dùng aspirin vì nó có thể gây ra hội chứng Reye.
- Để tránh lây nhiễm, người bệnh không tiếp xúc trực tiếp với nốt phỏng, tránh làm vỡ vì có thể gây bội nhiễm và thành sẹo.
- Đồng thời, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, uống nhiều nước lọc, ăn rau xanh, hoa quả tươi… và chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng để chống lại virus.