Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cần được đẩy mạnh. Đặc biệt, việc tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước được phổ biến đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè. Việc phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước vô cùng quan trọng.
* Đuối nước là gì:
Đuối nước là hiện tượng có sự xâm nhập đột ngột của nước hoặc chất dịch vào đường thở của người như: mũi, miệng, khí quản, phế quản, phổi. Đuối nước là một tai nạn xảy ra bất ngờ, không có nguyên nhân rõ ràng, khó lường trước, gây ra những thương tổn trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị chết hoặc để lại di chứng rất nặng nề.
Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi…
Đuối nước thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh do bản tính hiếu động, tò mò. Đối với trẻ nhỏ do tâm lý thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình.
Những yếu tố là nguyên nhân gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như: chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước không được rào chắn và không cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Các hố sâu như hố vôi tôi, hố lấy đất, hố lấy nước tưới hoa màu không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.
* Các bước xử lý đối với người bị đuối nước:
Bước 1: Khi phát hiện thấy người bị đuối nước, cần hô hoán mọi người đến ứng cứu. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi.
Bước 2: Nhanh chóng đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm; ném phao có buộc dây thừng và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dài, chắc từ bờ để nạn nhân túm lấy và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên.
Bước 3: Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.
Bước 4: Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:
- Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, dùng miệng áp vào miệng nạn nhân để thổi ngạt. Sau đó, kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không. Nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, đặt bàn tay phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
- Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để nước trong bụng và thực quản dễ thoát ra. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cơ thể bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
* Để phòng tránh đuối nước, nhất là đối với lứa tuổi học sinh, đề nghị các bộ mẹ kiểm soát, không cho con đi bơi khi chưa xin phép. Không cho con chơi ở những nơi gần ao, hồ, sông suối khi không có người lớn đi cùng. Cho con theo học các lớp tập bơi tại các trung tâm và bơi tại các bể bơi có người lớn giám sát.