Thức khuya, hút thuốc lá thụ động, ăn thực phẩm giàu đường, béo, bổ sung tùy tiện vi chất… có thể kìm hãm trẻ tăng chiều cao tối ưu.
Chiều cao lý tưởng thể hiện trẻ có sức khỏe tốt, được chăm sóc khoa học ngay từ nhỏ. Bên cạnh gen di truyền, yếu tố dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ... quyết định gần 80% chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Tuy nhiên, theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, nếu phụ huynh chỉ quan tâm những yếu tố tích cực mà bỏ qua nhân tố tiêu cực có thể gây kìm hãm bé tăng chiều cao.
Theo đó, để trẻ em, thanh thiếu niên đạt chiều cao tối ưu, phụ huynh cần lưu ý giúp bé tránh hoặc hạn chế một số thói quen xấu.
Hay ăn vặt và ăn thực phẩm nhiều đường
Trẻ em nên có một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh để phát triển chiều cao. Một số loại thực phẩm sẽ làm chậm sự phát triển của bé nếu tiêu thụ quá nhiều hoặc quá thường xuyên.
Đồ ăn vặt không được khuyến khích trong chế độ ăn của trẻ vì ít giá trị dinh dưỡng, có thể chứa thành phần gây hại có thể gây ra béo phì, tiểu đường. Thực phẩm có đường khiến mức insulin của trẻ em tăng cao, ngăn cản sự phát triển thích hợp của trẻ. Thực phẩm chế biến, ăn liền cũng không có lợi cho bữa ăn lành mạnh. Với những thực phẩm này ba mẹ hãy đảm bảo chỉ thỉnh thoảng cho con ăn với lượng nhỏ.
Bên cạnh thực phẩm, đồ uống có có ga, rượu cũng có thể làm chậm sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Uống quá nhiều soda có thể làm suy yếu xương vì lượng phốt pho cao ảnh hưởng xấu đến lượng canxi, do đó gây ra mật độ xương thấp hơn.
Thức khuya hoặc thiếu ngủ
Ngủ đủ giấc quan trọng giúp trẻ phát triển chiều cao vì hormone tăng trưởng chủ yếu sản xuất vào ban đêm. Nhiều trẻ em, thiếu niên có thói quen thức khuya vì nhiều lý do khác nhau. Điều này có hại cho sức khỏe của trẻ, thỉnh thoảng thức khuya thì không ảnh hưởng nhiều.
Các bậc cha mẹ nên giúp con đi ngủ sớm, tốt nhất nên trước 21 giờ hoặc 22 giờ tối. Gia đình đảm bảo tăng cường điều kiện ngủ của trẻ với không gian, nhiệt độ thoải mái, ít sử dụng thiết bị di động, không ăn vặt vào đêm khuya.
Tư thế xấu có thể kìm hãm sự phát triển
Tư thế có ý nghĩa lớn trong việc phát triển chiều cao của trẻ vì nó sẽ ảnh hưởng đến cột sống. Cha mẹ cần chú ý sửa cho con tư thế đi, đứng, ngồi và ngủ. Ví dụ, ngồi sai trước máy tính phổ biến đối với học sinh, đi hay cúi cổ, đứng không thẳng người... Cha mẹ cần lưu ý cải thiện tư thế đúng cách cho trẻ, ngồi thẳng lưng, giữ thẳng lưng khi đi đứng...
Hút thuốc lá thụ động
Hút thuốc lá (chủ động hoặc thụ động) có hại cho sức khỏe, sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Các độc tố từ thuốc lá còn có thể cản trở trẻ hấp thụ dưỡng chất và tăng trưởng. Do đó, bé nên tránh xa khói thuốc. Nếu trong nhà có người hút thuốc lá thì cần tránh hút nơi có trẻ em đang sinh hoạt.
Tùy tiện dùng sản phẩm bổ sung
Rất nhiều loại chất bổ sung có thể hỗ trợ bé phát triển cao, khỏe mạnh hơn. Những chất bổ sung này được thiết kế với thành phần, công thức để hỗ trợ đủ dinh dưỡng cho sự phát triển. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho trẻ dùng thực phẩm bổ sung tùy tiện mà không theo chỉ định, không theo đúng liều lượng hoặc thời gian sử dụng. Lạm dụng chất bổ sung không thể phát huy tác dụng, có thể còn gây hại cho sức khỏe của trẻ. Ví dụ, trẻ thừa canxi có thể tăng nguy cơ sỏi thận, cốt hóa xương sớm...
Lười vận động, tập thể dục
Nhiều trẻ ít ra ngoài chơi vì bố mẹ sợ nguy hiểm hoặc không sắp xếp thời gian ra ngoài cùng con. Thực tế, việc ở trong nhà, ít ánh nắng mặt trời cả ngày có thể gây hại cho sức khỏe, sự phát triển của bé. Ngoài ra, có nhiều bé nghiện tivi, thiết bị di động, trò chơi máy tính đến mức không còn hứng thú vui chơi, vận động bên ngoài, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chiều cao.
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cho phép trẻ tổng hợp nhiều vitamin D, quan trọng để giúp bé tăng chiều cao. Nhiều môn thể thao cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia như bóng rổ, bơi lội, cầu lông hoặc các bài tập như vươn vai, nhảy dây...
Trẻ ăn quá nhiều
Nhiều cha mẹ quan niệm rằng trẻ ăn nhiều để đảm bảo sự phát triển. Tuy nhiên, ăn quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe, sự phát triển của trẻ. Điều này gây khó tiêu, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Bé ăn quá nhiều cũng có thể gây béo phì, loãng xương do ảnh hưởng xấu đến quá trình hấp thụ canxi. Hơn nữa, khi trẻ ăn nhiều vào ban đêm sẽ khó ngủ, khiến chất lượng giấc ngủ kém hơn, ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tăng trưởng giúp bé cao lớn hơn.
"Đưa trẻ đi khám dinh dưỡng, sức khỏe tổng quát khi cần là cách phụ huynh có thể chủ động điều chỉnh các thói quen, chế độ dinh dưỡng... khoa học. Trẻ em chỉ có những giai đoạn vàng phát triển nhất định, cha mẹ không nên bỏ lỡ", bác sĩ Tùng cho biết.