“Tôi cũng có con nhỏ và còn là một bác sĩ dinh dưỡng, tôi không khó để quyết định việc con mình ăn gì và uống gì. Đối với sữa cũng vậy. Nhưng tôi hiểu, nhiều người quyết định này không dễ dàng”, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - bắt đầu câu chuyện về Chương trình Sữa học đường với phóng viên Zing.vn.
Ông cho hay gần đây nhận được nhiều thắc mắc của bệnh nhân, thậm chí là bạn bè, người thân của mình về việc có nên cho con tham gia chương trình này hay không?
Với tư cách là nguyên điều phối viên quốc gia của Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam, TS Sơn đã có những trao đổi thẳng thắn, khách quan về vấn đề này.
|
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Người Việt thấp bé, đâu là giải pháp?
- Câu chuyện sữa học đường đang được rất nhiều người quan tâm. Câu chuyện này vốn bắt đầu từ đâu?
- Câu chuyện sữa học đường đã được Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia quan tâm từ rất sớm. Giai đoạn 2003-2012, với tư cách là điều phối viên quốc gia chương trình phòng chống suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam, tôi và các đối tác, cộng sự đã trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị cho đề án này.
Cách đây 10 năm, chúng ta đã có các bước đi đầu tiên trong việc nghiên cứu chuẩn bị việc bổ sung sữa cho trẻ mầm non và tiểu học. Bởi đây là giải pháp cần thiết, đã được nhiều quốc gia triển khai thành công. Ở Thái Lan, từ năm 1985, học sinh mẫu giáo, tiểu học đã được uống sữa nước ở trường học. Nhật Bản từ năm 1951 đã triển khai bữa trưa học đường gồm mì, soup, rau… Từ năm 1963, Nhật Bản đã chính thức đưa sữa học đường vào các trường học từ mẫu giáo, đến trung học, phổ thông, duy trì cho đến nay. Ở Việt Nam, một số địa phương cũng đã áp dụng thí điểm tại một số vùng, thu được các kết quả bước đầu.
- Vậy theo ông lý do tại sao trẻ em Việt Nam lại cần phải uống sữa?
Nếu muốn tăng chiều cao đầu tiên phải tập trung ở nhóm tuổi mầm non, tiểu học. Bởi chiều cao của trẻ tăng trưởng liên tục từ khi trong bào thai cho đến khoảng 21 tuổi. Tuy nhiên, giai đoạn mầm non và tiểu học là một trong những giai đoạn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
- Thực tế hiện nay chiều cao của người Việt so với thế giới đang ở mức thấp. Trên thế giới, cao nhất là nam giới Hà Lan với 182,5 cm, nữ giới Lacphia cũng cao nhất là 170 cm. Quốc gia có chiều cao thấp là Đông Timo với 160 cm ở nam; 149 cm ở nữ.
Vậy Việt Nam nằm ở đâu? Hiện nay, các số liệu cho thấy người trưởng thành nam giới Việt Nam cao khoảng 164 cm, còn ở nữ là 154 cm. Với chiều cao này, nam giới Việt đứng thứ 182/200, nữ ở mức 188/200 quốc gia - tức đứng rất thấp, chỉ từ thứ 12 và 18 từ dưới lên.
Lý do tầm vóc thấp đã được khoa học dinh dưỡng kết luận từ 4 nhóm yếu tố chính:
Yếu tố di truyền: Đây là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến tầm vóc. Cải thiện yếu tố gen cần nhiều thời gian, nhưng một số quốc gia đã có những tiến bộ ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Dinh dưỡng: Được xếp vào yếu tố quan trọng thứ hai. Đây là yếu tố có thể cải thiện được và trọng tâm của các can thiệp.
Môi trường: Tức các yếu tố bên ngoài môi trường sống, vệ sinh, giảm các bệnh nhiễm trùng,…
Cuối cùng là các hoạt động thể lực, vận động.
- Nói như vậy việc trẻ em cần phải uống sữa để phát triển chiều cao?
- Riêng đối với yếu tố dinh dưỡng, người ta tổng hợp có các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chiều cao là protein (đạm), các vi chất dinh dưỡng (canxi, sắt, kẽm), vitamin (A, D, K2). Sữa chính là thực phẩm có thể đáp ứng đủ các yếu tố này.
Nếu muốn tăng chiều cao, tầm vóc, cần quan tâm đến những giai đoạn nhất định, có những giải pháp tốt. Do đó, một giải pháp dinh dưỡng cho trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học là rất cần thiết. Nếu muốn tăng chiều cao đầu tiên phải tập trung ở nhóm tuổi này. Bởi chiều cao của trẻ tăng trưởng liên tục từ khi trong bào thai cho đến khoảng 21 tuổi, tuy nhiên giai đoạn mầm non và tiểu học là một trong những giai đoạn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
- Tại sao phải áp dụng cho lứa tuổi học đường?
- Lứa tuổi học đường là lứa tuổi tăng trưởng nhanh về chiều cao. Trung bình khi năm 3 tuổi, trẻ tăng 9 cm/năm, năm 4 tuổi tăng 7,2 cm, các năm tiếp theo trung bình tăng 5,2-5,3 cm. Đặc biệt giai đoạn sau dậy thì (sau 15 tuổi), chiều cao tăng được rất ít, chẳng hạn 16 tuổi tăng 3,9 cm/năm, 17 tuổi tăng 2,3 cm/năm, 18 tuổi chỉ 1 cm/năm, 19 tuổi chỉ tăng 0,4 cm/năm.
Như vậy, có thể nói giai đoạn trẻ 3 tuổi đến 15-16 tuổi rất quan trọng, cần có giải pháp tổng thể cho giai đoạn này bao gồm vấn đề dinh dưỡng, tập luyện, môi trường. Bổ sung sữa quan trọng và là một trong các giải pháp để cải thiện chiều cao cho người Việt.
Tôi cho rằng có nhiều cách để bổ sung dinh dưỡng và cần phải nâng cao chất lượng bữa ăn học đường một cách toàn diện. Trong đó bổ sung sữa vào bữa ăn là hiệu quả nhất và dễ dàng nhất. Sữa có lợi thế bổ sung các vi chất. Thứ hai sữa có thể áp dụng một cách đồng đều, đảm bảo mức chuẩn chung, bổ sung chính xác.
Trẻ em ở nhiều trường có chế độ ăn bán trú, với những trẻ này khẩu phần ăn ở trường chiếm 50-60% khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Dù ở nhà cha mẹ chăm sóc tốt nhiều như thế nào mà khẩu phần ở nhà trường không tốt thì chế độ ăn của trẻ vẫn không được đảm bảo.
Nhà trường cũng gặp những khó khăn do đông học sinh; bên cạnh đó là câu chuyện làm thế nào để chăm sóc được các em với kinh phí hạn chế và giá cả thực phẩm ngày càng tăng lên. Chính vậy, chúng ta gặp khó khi muốn cải thiện cho trẻ ở nhóm tuổi này.
- Có nhiều cách để tăng chiều cao, sao nhất thiết phải là uống sữa?
- Chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ là mục tiêu quan trọng, và trong đó sữa là một thành tố. Tôi cho rằng có nhiều cách để bổ sung dinh dưỡng và cần phải nâng cao chất lượng bữa ăn học đường một cách toàn diện. Bổ sung sữa vào bữa ăn là hiệu quả nhất và dễ dàng nhất. Sữa có lợi thế bổ sung các vi chất. Thứ hai sữa có thể áp dụng một cách đồng đều, đảm bảo mức chuẩn chung, bổ sung chính xác.
Bài toán cần cân nhắc kỹ
- Dù có ý nghĩa, nhưng nếu áp dụng sữa học đường một cách đại trà, hẳn sẽ có những vấn đề lợi bất cập hại? Liệu rằng tất cả trẻ đều có thể uống sữa?
- Có ít nhất 2 vấn đề phải đặt ra khi triển khai sữa học đường. Thứ nhất là về sự chấp nhận của học sinh từ góc độ sức khỏe, thứ hai là về sự đóng góp của các bên tham gia như thế nào để hợp lý.
Về vấn đề liệu rằng tất cả trẻ đều có thể tham gia uống sữa học đường, tôi cho rằng là không.
Chẳng hạn, đối với những trẻ bất dung nạp đường lactose, việc uống sữa có thể gây tiêu chảy và một số tác dụng không mong muốn. Thực tế, tỷ lệ không dung nạp này khá cao. Trên thế giới, những nghiên cứu tập hợp đưa ra tỷ lệ khá lớn và có sự khác nhau giữa các quốc gia. Chẳng hạn, Thụy Điển chỉ 5% có những triệu chứng không dung nạp đường lactose, ở Mỹ là 12,5%, nhưng ở một số quốc gia khác như Mexico, Ấn Độ, tỷ lệ này lên tới 50%.
Ở nước ta, chưa có các số liệu cụ thể về vấn đề này nhưng chắc chắn có một tỷ lệ không dung nạp trên thực tế. Khi gặp vấn đề này, việc uống sữa sẽ gây rối loạn tiêu hóa dù không gây nguy hiểm trầm trọng đến tính mạng.
Như vậy, không thể và không nên kỳ vọng một tỷ lệ 90% hay bắt tất cả 100% trẻ tham gia để đạt được các mục tiêu của đề án đã đề ra. Theo tôi, vấn đề tham gia hay không còn liên quan đến thể trạng từng trẻ, nếu cha mẹ báo cáo con có hiện tượng không dung nạp đường lactose thì trẻ đó không nên tham gia.
Việc ép các trẻ tham gia kể cả khi có hiện tượng không dung nạp đường lactose, khiến bé liên tục rối loạn tiêu khỏe sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy chúng ta cần phải có giải pháp để ngăn chặn.
Vấn đề kinh tế cũng cần phải xem xét lại, ở các quốc gia như Thái Lan chương trình sữa học đường là một chương trình miễn phí cho học sinh, được hỗ trợ từ Chính phủ và nhà vua Thái lan. Nhật Bản cũng có các hỗ trợ 50% cho cả bữa ăn bao gồm sữa.
Với Việt Nam, khi chuẩn bị cho đề án này ở thời điểm ban đầu, chúng tôi dự kiến tỷ lệ chi trả của cha mẹ là từ 0 đến 1/3, của các công ty tối thiểu là 1/3 và của chính phủ từ 1/3 đến 1/2. Nếu chúng ta quyết định đây là một chương trình mang tính nhân văn, mục tiêu nhằm cải thiện tầm vóc cho người Việt thì Chính phủ cần xem xét để đầu tư cho thế hệ tương lai.
Các công ty cũng không nên tối đa lợi nhuận vì rõ ràng họ được hưởng lợi khi không cần phải chi các chi phí quảng cáo, chi phí bán hàng cho một lượng lớn hàng triệu hộp sữa mỗi ngày và chi phí này tôi nghĩ luôn cao hơn mức 33%. Hơn nữa các công ty cũng được các lợi ích từ việc quen vị sữa của trẻ em và có được hình ảnh đẹp đẽ đối với cộng đồng. Vì vậy, việc chia sẻ quyền lợi hơn nữa đối với các bậc phụ huynh là rất cần thiết.
Vấn đề giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp cho riêng các sản phẩm của chương trình sữa học đường cũng cần được xem xét để góp phần hạ giá thành, tăng hưởng lợi cho trẻ em.
- Vậy với những trẻ béo phì, suy dinh dưỡng, liệu có thể uống chung một loại sữa hay không?
- Trẻ thừa cân và trẻ suy dinh dưỡng cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau, nhưng ở lứa tuổi này vẫn có thể bổ sung sữa cho nhu cầu tăng trưởng chiều cao ở cả 2 nhóm trẻ. Ở nhóm trẻ thừa cân chúng ta cần điều chỉnh ở các thực phẩm khác như hạn chế chất đường bột, chất béo và tăng tập luyện thể dục thể thao…
- Liệu có cần sản xuất riêng một loại sữa để sử dụng trong sữa học đường?
- Tôi đã tham gia vào viết các công thức sữa cho nhiều công ty sữa của Việt Nam. Tôi cho rằng sữa của các nhà sản xuất lớn hiện nay ở Việt Nam đều có các công thức bổ sung vitamin, khoáng chất tương đối tốt, đảm bảo chất lượng, được kiểm soát thường xuyên. Nếu chúng ta chỉ sản xuất một loại sữa riêng cho dự án sữa học đường thì với tính chất sản xuất ra đến đâu sẽ tiêu thụ ngay đến đó, khi đó rất có thể các nhà sản xuất có thể nghĩ đến việc sử dụng các nguyên liệu có hạn sử dụng ngắn, cận hạn để giảm giá thành, cung cấp cho nhà trường. Các vấn đề lợi ích khác so với sử dụng sữa thông thường cũng chưa được chứng minh.
Ngược lại, nếu chúng ta dùng các loại sữa đã có sẵn, đương nhiên đã được kiểm soát theo các quy chuẩn hiện nay đang áp dụng. Vì vậy theo tôi, điều này cần cân nhắc kỹ.
Tôi có thể nói cần quan tâm hơn nữa đến bữa ăn học đường một cách tổng thể (không chỉ sữa học đường). Chương trình Sữa học đường là một chương trình tốt, cần triển khai nhưng cần tuyệt đối đảm bảo tính tự nguyện của các gia đình và cần cố gắng giảm tỷ lệ đóng góp từ phía phụ huynh học sinh.