Trên địa bàn Thành phố Hà Nội: Sốt xuất huyết trong tuần 37 ghi nhận 890 ca mắc, tử vong 01; số ca mắc tăng 17,1% so với tuần trước. Cộng dồn 2022 mắc 3.913 ca, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện. Trên địa bàn quận Long Biên: Sốt Xuất huyết (đến 27/9/2022): có 96 ca được chẩn đoán xác định (trong đó 03 trường hợp tử vong); 968 hợp nghi mắc. Số ca mắc tăng nhanh trong những tuần gần đây, nhiều ở phường Sài Đồng và Long Biên. Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Quận Long Biên đang tăng nhanh; số ca mắc sốt xuất huyết trong ngày cũng có xu hướng gia tăng. Tất cả chúng ta cần phải trang bị những kiến thức về cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.
17h30 chiều ngày 27/9/2022, nhân viên y tế nhà trường đã tập huấn cho CBGVNV cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh lây do muỗi vằn đốt, truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện:
Thể nhẹ: Sốt cao đột ngột trên 38 độ C, kéo dài từ 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban; không kèm theo ho, sổ mũi.
Thể nặng bao gồm các dấu hiệu trên và kèm theo: xuất huyết tự nhiên như chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa… Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng.
Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người ốm đi khám bệnh. Tuyệt đối không tự uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không cạo gió, không kiêng ăn, không nhịn uống… Cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế ngay nếu thấy có một trong những dấu hiệu sau: li bì hoặc bứt rứt; nôn nhiều; đau bụng nhiều; xuất huyết; tay chân lạnh;…
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy để phòng sốt xuất huyết người dân cần thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa…
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.