Đợt dịch bệnh COVID-19 đầu năm 2021 hiện nay đang có diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính là do không tìm được nguồn lây bệnh COVID-19 trong cộng đồng, người dân chủ quan về dịch bệnh, có nhiều cá nhân, tổ chức không khai báo, che giấu bệnh của chính mình và của người thân. Thậm chí, có những cá nhân mắc bệnh còn cố tình tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số của Bộ Y tế, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong quá trình truy tìm ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh.
Mới đây, UBND huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã xử phạt 15 triệu với 2 công nhân (trong đó một người là F1 của BN2188) do không khai báo đã làm việc tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Một trường hợp vi phạm khác là ông P.V.Q. (40 tuổi) cũng bị UBND TP Hải Dương phạt hành chính 15 triệu đồng do từng tiếp xúc với F1 nhưng không khai báo y tế.
Trước sự việc trên, Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "
Với tính chất nguy hiểm của đại dịch toàn cầu của bệnh truyền nhiễm nhóm A và sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của người dân, Nhà nước đã ban hành các văn bản thực hiện các biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngày 01/04/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 xác định dịch bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm kịp thời để ổn định cuộc sống, đảm bảo sức khỏe của người dân".
Luật sư Nguyễn Đào Tơ cũng nêu rõ, TAND Tối cao cũng đã ban hành Công văn số 45 hướng dẫn cách xác định tội danh liên quan việc phòng chống dịch theo quy định của Bộ luật hình sự, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể áp dụng để xem xét xử lý hình sự với một số trường hợp vi phạm.
Khai báo y tế đầy đủ giúp việc xác minh, khoanh vùng dập dịch của cơ quan chức năng được thuận lợi.
Theo đó, các vi phạm phổ biến được ghi nhận trong thời gian qua gồm không tuân thủ quy định về cách ly, trốn tránh khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối các thông tin dịch tễ. Cơ quan chức năng đã phạt tiền hàng trăm trường hợp, khởi tố vụ một số vụ án hình sự.
Khi phát hiện vi phạm, nhà chức trách sẽ xác minh, làm rõ hành vi cụ thể của từng trường hợp. Sau đó, căn cứ lời khai của người vi phạm và mức độ hậu quả xảy ra để xác định hình thức xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Tơ cho biết, ở mức độ xử phạt hành chính, người khai báo thông tin gian dối liên quan dịch bệnh sẽ bị phạt 10-20 triệu theo Điều 7 Nghị định 117/2020 của Chính phủ.
Nếu người vi phạm biết rõ hiện trạng của bản thân hoặc người khác nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo Điều 240 Bộ luật hình sự, người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm. Trường hợp làm chết người thì bị phạt tù lên đến 10 năm.
"Cơ quan nhà nước phải xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi cố tình khai báo gian dối về dịch bệnh COVID-19 đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân về việc khai báo y tế để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh", Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Huy chia sẻ.