VI RUS ADENOVIRUS CÓ CẤU TRÚC GÌ
Adenovirus được phân lập lần đầu năm 1953 từ các mảnh hạch hạnh nhân và tổ chức tuyến được cắt bỏ sau khi phẫu thuật. Đến nay người ta biết khoảng trên 100 type, có 47 type gây bệnh ở người và khoảng 60 type gây bệnh ở động vật. Trong tổng số 47 type gây bệnh ở người có 1/3 số type đã được xác định là căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng Adenovirus ở người, một vài type được cho là nguyên nhân gây ung thư thực nghiệm trên động vật.
1.1. Đặc điểm sinh học
1.1.1. Hình thể, cấu trúc
Adenovirus là các virus có lõi là Adn, đường kính 80 -100 mm vỏ capsid có 252 capxome. Virus có cấu trúc hình khối đa diện với các mặt là hình tam giác đều, không có bao ngoài. Virus có chứa 13% là ADN và 87% là protein. Trọng lượng phân tử của ADN là 175ì166 Da. Vỏ capcid có các thành phần được gọi là hexon, penton và fiber. Hexon là capsome nằm ở mặt bên, các penton nằm ở đỉnh (virus có 12 đỉnh), fiber là các sợi nhỏ nhỏ gắn vào các đỉnh và là một phần của penton.
ADN của virus là một sợi thẳng có chứa nhiều gen quy định type huyết thanh, bộ gen của virus có chứa 35.000 – 36.000 cặp base.
1.1.2. Phân loại
Adenovirus thuộc họ Adenoviridae chia ra làm hai nhóm chính là một nhóm gây bệnh ở chim là Aviadenovirus và nhóm gây bệnh ở động vật có vú (Mastadenovirus). Virus gây bệnh ở người chủ yếu thuộc nhóm Mastadenovirus. Người ta đã phân lập được 47 type Adenovirus ở người và một số loài động vật khác.
Adenovirus gây bệnh cho người được chia làm 6 nhóm ký hiệu A- F dựa vào đặc điểm sinh lý, sinh hoá và sinh học phân tử.
1.1.3. Nuôi cấy
Virus chỉ nuôi cấy được trên các tế bào có nguồn gốc từ người như tế bào thận phôi người, Hela, Hep-2.
1.1.4. Sức đề kháng
Adenovirus có thể tồn tại và gây bệnh được khá lâu ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng/30 ngày, 370C/15 ngày, 40C/ nhiều tháng, -200C/nhiều năm. Nước sôi 1000C, tia cực tím, cloramin dễ huỷ được virus, các dung môi hữu cơ như ete, aceton không diệt được virus.
1.1.5. Kháng nguyên
Các kháng nguyên quan trọng đều nằm trên vỏ capsid của virus
– Kháng nguyên Hexon: là kháng nguyên đặc hiệu chung cho tất cả các Adenovirus. Đây là kháng nguyên kết hợp bổ thể .
– Kháng nguyên trung hoà: nằm trên penton và fiber đặc hiệu cho từng type. Kháng nguyên này có khả năng giúp virus bám vào các bề mặt tế bào mà chúng ký sinh.
– Kháng nguyên NKHC: nằm trên fiber giúp cho virus có khả năng gây ngưng kết hồng cầu. Kháng nguyên này đặc hiệu cho các type khác nhau và phản ứng NKHC được dùng để phân type Adenovirus.
1.2. Khả năng gây bệnh của Adenovirus
Adenovirus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể như đường hô hấp, đường tiêu hoá, mắt, tiết niệu và ở gan. Trong số 6 nhóm gồm 47 type huyết thanh gây bệnh đã biết, nhóm B là nhóm có khả năng gây bệnh nhiều và hay gặp nhất. Nhiễm Adenovirus thường là nhiễm một type, nhiễm Adenovirus chiếm khoảng 5% nhiễm virus hô hấp cấp tính ở trẻ em, virus này còn thường gặp trong bệnh lý nhiễm virus ở mắt và đường tiêu hoá.
1.2.1. Viêm đường hô hấp do Adenovirus
– Viêm họng cấp: thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện sốt sưng họng, ho và chảy nước mũi. Chẩn đoán thường khó phân biệt với các nhiễm virus khác. Bệnh thường do Adenovirus nhóm C gây ra.
– Viêm họng kết mạc: triệu chứng giống viêm họng nhưng kèm thêm viêm kết mạc thành dịch ở người trẻ tuổi và trẻ em. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là lây qua nước ở bể bơi vào mùa hè. Bệnh do virus nhóm B, các type 3, 7, 1.
– Viêm cấp tính đường hô hấp: biểu hiện bằng viêm họng, sốt, ho. Bệnh diễn biến cấp tính, khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày, chủ yếu ở trẻ nhỏ. Các type gây bệnh là 3, 4, 7.
– Viêm phổi: Chủ yếu là type 3 và 7, chiếm tỷ lệ 10% viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Viêm phổi do Adenovirus có tỷ lệ tử vong 8- 10%.
1.2.2. Viêm kết mạc mắt (bệnh đau mắt đỏ thành dịch)
Còn gọi là bệnh bể bơi “swimming pool” do dễ lây qua nước ở bể bơi vào mùa hè. Bệnh dễ dàng phát triển thành dịch biểu hiện viêm cấp tính kết giác mạc, dễ bị bội nhiễm nếu không can thiệp kịp thời. Bệnh này chủ yếu là virus nhóm B đặc biệt là type 3, 7.
1.2.3. Bệnh viêm dạ dày – ruột
Một số type Adenovirus gây bệnh đường tiêu hoá với biểu hiện viêm dạ dày và ruột cấp tính, virus được đào thải trong phân và là nguồn lây chủ yếu. Type 40 và 41 gây bệnh dạ dày ruột, chúng chiếm 5 – 15 % các trường hợp. Một số tác giả còn mô tả các virus nhóm C cũng chiếm một tỷ lệ nhất định.
1.2.4. Các bệnh khác
Các type 11 và 12 có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là trẻ em trai. Virus thường thấy trong nước tiểu của những bệnh nhân này. Type 37 thấy ở niệu đạo, tử cung và được coi là lây truyền qua đường tình dục.
Miễn dịch sau nhiễm Adenovirus
Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân có miễn dịch với Adenovirus với hiệu quả cao và kéo dài với cùng type mắc bệnh nhưng không có khả năng bảo vệ với các type khác.
1.3. Chẩn đoán
Bệnh phẩm
Bệnh phẩm cần được thu thập từ cơ quan bị tổn thương hoặc nơi virus cư trú. Trên lâm sàng bệnh phẩm có thể lấy là phân, nước tiểu, dịch họng, kết mạc, tăm bông trực tràng.
Phân lập và xác định virus
– Bệnh phẩm sau khi đã xử lý được nuôi cấy trên các tế bào có nguồn gốc từ người như tế bào thận phôi người, đây là tế bào mẫn cảm nhất với Adenovirus. Một số tế bào biểu mô khác như Hela, Hep-2 và KB cũng nhạy cảm nhưng khó áp dụng do phải nuôi cấy trong thời gian lâu (28 ngày) mới phát hiện được các chủng virus phát triển chậm. Khi thấy các tế bào có dấu hiệu co cụm lại, bong ra khỏi thành ống nghiệm, tế bào bị phình to và vỡ ra chứng tỏ virus đang nhân lên Adenovirus còn làm tăng glycolysis dẫn đến toan hoá môi trường nuôi tế bào .
– Việc xác định type Adenovirus dựa vào kháng thể huỳnh quang hoặc kiểm tra bằng thử nghiệm cố định bổ thể (CF) để xác định kháng nguyên đặc hiệu nhóm. Ngoài ra còn có thể dùng phản ứng ngưng kết hồng cầu để xác định type của virus. Các phương pháp chẩn đoán nhanh hơn được dựa vào kỹ thuật phát hiện vỏ virus trong ống nghiệm (“Shell vial” technique). Bệnh phẩm chứa virus được ly tâm trực tiếp trong ống tế bào nuôi. Nuôi cấy ống tế bào 1 – 2 ngày và thử phản ứng với kháng thể đơn dòng kháng vỏ virus (kháng nguyên nằm trên Hexon).
– Để xác định chắc chắn Adenovirus thuộc các nhóm khác nhau, người ta sử dụng kỹ thuật PCR. Dùng bệnh phẩm là các dịch của cơ thể, sử dụng các cặp mồi là đoạn gen mã hoá cho các kháng nguyên đặc hiệu (Hexon, VA…) để phát hiện hầu hết các type của virus.
– Ngoài ra để phát hiện virus trong phân người ta có thể sử dụng kính hiển vi điện tử hoặc kỹ thuật ELISA.
Chẩn đoán huyết thanh
Khi bị nhiễm Adenovirus có sự tăng phức hợp kháng thể với kháng nguyên nhóm của Adenovirus. Thử nghiệm CF được sử dụng để phát hiện hầu hết các nhóm của Adenovirus. Hiệu giá kháng thể tăng lên 4 lần giữa giai đoạn nhiễm virus cấp và giai đoạn hồi phục trong máu bệnh nhân chứng tỏ bệnh nhân nhiễm loài Adenovirus tương ứng.
Có thể dùng phản ứng NCHC hoặc phản ứng trung hoà để phát hiện kháng thể đặc hiệu trong huyết thanh bệnh nhân khi có yêu cầu. Hiệu giá kháng thể của huyết thanh tăng cao trên 4 lần sau 2 tuần thì có giá trị chẩn đoán.
1.4. Dự phòng và điều trị
Dự phòng
Hiện nay nghiên cứu chế tạo vaccine sống, giảm độc lực được bao phim, dùng dạng uống, có chứa các type 4 và 7 .
Điều trị
Dùng các thuốc diệt virus, ức chế tổng hợp acid nucleic của virus và thuốc tăng cường hệ thống miễn dịch.
2. HERPES VIRUS
Herpesvirus là các virus gây các nốt phồng và loét trên niêm mạc da ở mép miệng, họng, bộ phận sinh dục, giác mạc, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến gây bệnh nặng như viêm màng não, não.
2.1. Đặc điểm sinh học
Virus hình khối đa diện, đường kính 170 – 200mm.
Herpesvirus là các virus có chứa lõi là ADN được bao bọc bởi vỏ là capsid có chứa 162 capsome. Bên ngoài capsid có bao ngoài thường có nguồn gốc là màng tế bào chủ bị ký sinh.
Nuôi cấy: Herpesvirus có thể được nuôi cấy trên tế bào ở người như tế bào phôi người (tổ chức phổi), tế bào thận của thỏ, HEP-2, A549. Người ta có thể cấy virus vào màng niệu phôi gà, tiêm vào não chuột nhắt trắng gây viêm não virus hoặc cấy vào giác mạc thỏ gây loét giác mạc.
Sức đề kháng: Herpesvirus có sức đề kháng không cao, ở 56oC bị huỷ sau 30 phút, các dung môi hữu cơ như ether, phenol, clorofoc, formalin diệt nhanh virus, ở nhiệt độ lạnh virus tồn tại được khá lâu.
Kháng nguyên: dựa vào kháng nguyên vỏ capcid người ta chia ra thành các type khác nhau, cho đến nay người ta đã biết có 8 type:
– Herpes simplex Virus type1 (HSV-1, còn gọi là HHV-1)
– Herpes simplex Virus type2 (HSV-2, còn gọi là HHV-2)
– Varicella -Zoster virus (VZV, còn gọi là HHV-3)
– Epstein Barr virus (EBV, còn gọi là HHV-4
– Cytomegalovi rus (CMV, còn gọi là HHV-5)
– Human Herpesvirus 6 (HHV-6)
– Human Herpesvirus 7 (HHV-7)
– Human Herpesvirus 8 (HHV-8)
Nhiễm trùng Herpes là nhiễm trùng chậm. Virus thường đi sau một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Các tác nhân kích hoạt virus như: stress, caffein và ánh sáng mặt trời là tác nhân gây tái phát Herpesvirus.
2.2. Khả năng gây bệnh
Tuỳ theo loại virus gây nên các bệnh cảnh khác nhau, trong số 8 type virus Herpes kể trên, HSV là virus có khả năng gây bệnh cao và gây nhiều thể bệnh lâm sàng khác nhau.
2.2.1. Herpes Simplex virus (HSV)
Nhiễm trùng do HSV rất phổ biến, 80% ở người lớn nhiễm HSV-1 và 20% nhiễm HSV- 2. Hầu hết các trường hợp nhiễm HSV là không triệu chứng, Bệnh do HSV chia làm 2 thể: thể nguyên phát (nhiễm Herpes lần đầu) và thể tái phát (tái hoạt động của virus).
Thời kỳ ủ bệnh 2 -11 ngày sau khi nhiễm virus. Bệnh nhân có thể cảm thấy sốt nhẹ, đau rát vùng tổn thương. Tuỳ theo vị trí có thể chia ra các thể khác nhau:
– Herpes miệng (oral Herpes): Herpes miệng rất thường gặp nhưng không hoàn toàn do HSV-1. Thời kỳ ủ bệnh 2-14 ngày. Tổn thương ban đầu là nốt viêm đỏ, loét trong niêm mạc miệng. Vết loét này có thể lan rộng ra thành từng đám lớn ở trong miệng. Bệnh nhân cảm giác rất đau, khó chịu, ăn uống kém. Vết loét có thể lan tới lợi, thành sau họng, hầu. Đặc biệt một số tổn thương ở môi nhất là vùng ranh giới giữa da và môi tạo thành đám mụn nước, loét, chảy dịch, ngứa và rát.
– Herpes sinh dục (genital Herpes): Herpes sinh dục chủ yếu do HSV-2 gây ra chiếm >70%, 30% còn lại do HSV-1. Nhiễm Herpes sinh dục chủ yếu là không triệu chứng. Tổn thương hay gặp trong Herpes sinh dục và nốt loét ở đường sinh dục.
Herpes sinh dục hay gặp ở phụ nữ. Tổn thương ở tử cung, niêm mạc âm đạo hoặc cả hai. Tổn thương loét niệu đạo có thể gặp ở cả nam và nữ. Tỷ lệ tái phát của Herpes sinh dục rất cao, tuy nhiên triệu chứng của tái phát thường không nặng như tổn thương lần đầu.
– Herpes sơ sinh (neonatal Herpes): trẻ bị Herpes chủ yếu do lây nhiễm từ mẹ sang con. Tỷ lệ lây nhiễm mẹ con xảy ra ở 50% các trường hợp, tỷ lệ này có thể giảm nếu trước khi mang thai mẹ đã được điều trị hoặc mẹ ít bị tái phát.
– Herpes não (HSV encephalitis): viêm não do Herpes thường hiếm gặp nhưng là một bệnh nặng với tỷ lệ tử vong xấp xỉ 70%. Bệnh này do HSV-1 gây bệnh ở trẻ sơ sinh, HSV- 2 chủ yếu gây viêm não trẻ nhỏ và người lớn.
– Viêm kết mạc Herpes (ocular Herpes): chủ yếu là thể viêm loét kết giác mạc, tổn thương diễn biến nhanh, dễ dẫn đến loét hoặc thủng giác mạc nếu không điều trị kịp thời.
2.2.2. Varicella – Zostervirus (VZV) (virus thủy đậu-zona)
Thuỷ đậu và Zona là những bệnh ở người với sự xuất hiện của những mụn nước ở ngoài da và niêm mạc. Bệnh này có thể có diễn biến nặng ở người giảm sức đề kháng. Nguyên nhân của 2 bệnh này thực chất do một loại virus gây ra gọi là Varicella- Zostervirus. Biểu hiện lâm sàng là bệnh thuỷ đậu (Varicella) ở trẻ em và bệnh Zona (Zoster) ở người lớn. Bệnh thuỷ đậu là bệnh diễn biến cấp tính ở trẻ nhỏ trong khi bệnh Zona là bệnh được coi là sự tái hoạt động của virus thuỷ đậu. Trên 90% ngưòi lớn có kháng thể với VZV. Nhiễm virus chủ yếu là ở thể nhiễm trùng không triệu chứng.
Bệnh thuỷ đậu (Varicella)
Đường xâm nhập của virus là đường hô hấp, virus đầu tiên xâm nhập vào đường hô hấp trên. Từ đó virus xâm nhập và lưu hành trong máu. Sau nhiều chu kỳ sao chép để tăng số lượng và cuối cùng virus đến cư trú tại da và tổ chức dưới da. Tại đây virus phát triển tạo thành các mụn nước và mụn mủ.
Biểu hiện lâm sàng lúc đầu có thể có sốt, ho, sau đó 2 – 3 ngày xuất hiện các mụn nước. Mụn nước này có thể xuất hiện ở một vài nơi như mặt, cổ, ngực và bụng. Đôi khi mụn nước có thể bị lan ra khắp cơ thể. Mụn nước nếu bị bội nhiễm có thể hoá mủ, nếu không bị nhiễm khuẩn mụn nước sẽ khô và khỏi sau 5 – 7 ngày, không để lại sẹo. Sau khi khỏi bệnh có miễn dịch bền vững.
Bệnh Zonna (Zoster)
Bệnh Zonna giống thuỷ đậu ở tổn thương dạng mụn nước nhưng khác thuỷ đậu là mụn nước mọc thưa và rất đau, thường xuất hiện dọc theo đường đi của các dây thần kinh và chỉ gặp ở người lớn.
Hiện nay người ta cho rằng sự tái hoạt động của virus thuỷ đậu gây ra bệnh Zonna ở người lớn. Các virus này tồn tại ở dạng ẩn ở tổ chức hạch. Khi có điều kiện thuận lợi virus tái hoạt động và gây viêm da và thần kinh.
Miễn dịch: VZT là loại virus gây nên 2 bệnh khác nhau nên việc nhiễm thuỷ đậu ở trẻ có khả năng đề kháng cao với bệnh Zonna ở người lớn. Tuy nhiên có một tỷ lệ nhất định trẻ em bị thuỷ đậu nhưng vẫn bị Zonna khi lớn nhưng mức độ nhẹ hơn.
2.3. Chẩn đoán
Thu thập bệnh phẩm từ các mụn nước bằng tăm bông, làm tiêu bản và nhuộm tế bào bằng uranyl axetat. Soi dưới kính hiển vi điện tử, độ phóng đại 140.000 lần sẽ cho thấy virus hình cầu, có nhân là ADN trong virus.
Cũng có thể nuôi cấy virus trên tế bào người trong 3 – 7 ngày. Virus nhân lên chậm. Lấy dịch nuôi cấy, phá vỡ tế bào nuôi để tìm virus. Virus này không phát triển được trên các tế bào nuôi động vật và phôi gà.
Chẩn đoán huyết thanh: dùng test CF, miễn dịch huỳnh quang gián tiếp là những test phát hiện nhanh virus.
2.4. Điều trị Herpes virus
Sử dụng các thuốc kháng virus như acyclovir, diclovir có tác dụng điều trị hiệu quả, nhất là đối với trẻ bị thiếu hụt miễn dịch. Ngoài các biện pháp điều trị hỗ trợ như thuốc làm giảm viêm, chống loét tại chỗ, giảm đau, nâng cao thể trạng bệnh nhân, hiện nay có một số thuốc điều trị đặc hiệu với virus.