Trẻ uống 4-6 cốc chất lỏng mỗi ngày gồm sữa và nước, hạn chế chơi ngoài trời vào thời điểm oi bức để tránh mất nước.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Trọng, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ dễ bị mất nước hơn người lớn. Cha mẹ cần đảm bảo con nhận đủ nước bằng nhiều cách khác nhau.
Cho trẻ uống đủ nước dù không khát: Bé mới biết đi cần 4-6 cốc chất lỏng mỗi ngày, gồm hai cốc sữa, phần còn lại chủ yếu là nước. Trong ngày nóng, cha mẹ nên cho con uống thêm 2-3 lần mỗi ngày.
Không lạm dụng nước trái cây: Nước trái cây chứa lượng vitamin cần thiết cho cơ thể nhưng trẻ chỉ nên uống khoảng 100 ml mỗi ngày. Trẻ uống quá nhiều có thể hăm tã, sâu răng, béo phì, tiêu chảy. Bé nên uống nước hoa quả tự nhiên và giảm lượng đường bằng cách pha một nửa trái cây, một nửa nước.
Tránh vui chơi ngoài trời khi nắng gắt: Cha mẹ hạn chế cho con chơi ngoài trời vào những thời điểm oi bức nhất trong ngày. Trẻ nên đốt cháy năng lượng để tăng sức đề kháng bằng cách vui chơi tại công viên, hồ bơi hoặc sân sau vào sáng sớm (trước 10h) và chiều muộn (sau 16h). Khi trời quá nóng, bé có thể chơi ở bóng mát hoặc trong nhà, ngâm mình trong nước ở hồ bơi.
Lựa chọn quần áo phù hợp: Trẻ nhỏ cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi để dễ vận động khi trời nắng nóng.
Mang theo nước: Nếu con chơi ngoài trời, cha mẹ mang theo nước để cho bé uống. Bé có thể ăn thêm thực phẩm có lượng nước cao hàng ngày như dưa hấu, súp, sinh tố.
Làm gì khi trẻ mất nước
Theo thạc sĩ Trọng, nhiều trẻ chưa biết nói chúng đang khát, cách đơn giản để kiểm tra tình trạng mất nước là theo dõi lượng nước tiểu. Bé đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu (vàng hơn hoặc đậm đặc), môi nứt nẻ hoặc ít hoạt động hơn bình thường, khóc không ra nước mắt, da ửng đỏ, mệt mỏi là mất nước.
Khi mất nước, trẻ cần uống nước làm dịu cơn khát, bổ sung chất điện giải. Khi trẻ ốm và khó uống nước, mẹ cho bé uống từng ngụm nhỏ thường xuyên và theo dõi dấu hiệu mất nước.
Mất nước cũng là biến chứng phổ biến của các bệnh đường tiêu hóa, thường do virus gây ra. Trẻ có thể bị nôn, tiêu chảy, sốt. Nếu bé nôn nhiều có thể mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể do thiếu natri, kali, clorua.
Thạc sĩ Trọng khuyến cáo trẻ mất nước nghiêm trọng cần đưa đến phòng cấp cứu. Các triệu chứng như bàn tay và bàn chân lạnh bất thường, da nhăn, quấy khóc, thờ ơ hoặc buồn ngủ bất thường, thóp trũng (điểm mềm trên đỉnh đầu).