Sữa tươi luôn được cha mẹ cho trẻ dùng hàng ngày vì có mùi vị hấp dẫn, tiện lợi, đặc biệt chứa nhiều dưỡng chất giúp trẻ phát triển chiều cao, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, nếu không uống đúng cách, đúng thời điểm, sữa tươi sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
1. Tác dụng của sữa tươi đối với trẻ
Sữa tươi là các loại sữa có nguồn gốc từ động vật như bò sữa, cừu, dê ở dạng nước lỏng chưa qua chế biến hoặc chỉ mới sơ chế, chưa tiệt trùng, khử trùng. Nói một cách dễ hiểu hơn, sữa tươi là sữa dạng nước sau khi được vắt thì được tiệt trùng sơ qua rồi bảo quản lạnh trước khi sử dụng.
Sữa nguyên kem là sữa được mang đi diệt khuẩn (thanh trùng) mà không hề có sự tham gia của các chất phụ gia hay chất bảo quản nào khác, sau đó được đóng gói và đem đi tiêu thụ trên thị trường.
Sữa tươi và sữa nguyên kem đều là những loại sữa đã được thanh trùng, tiệt trùng ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn, đảm bảo diệt sạch vi khuẩn mà vẫn đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển, đặc biệt là về chiều cao và cân nặng. Sữa nguyên kem do được tiệt trùng ở nhiệt độ thấp hơn nên thường hàm lượng dinh dưỡng cao hơn sữa tươi đôi chút. Cả hai loại sữa này đều không chứa chất phụ gia nên an toàn cho hệ tiêu hóa của trẻ, đem đến những lợi ích nhất định khi sử dụng:
- Phát triển chiều cao: Sữa và các sản phẩm từ sữa có lượng canxi tự nhiên dồi dào cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển xương khỏe mạnh của trẻ. Việc tiêu thụ đủ lượng sữa từ thời thơ ấu và trong suốt cuộc đời có thể giúp xương của trẻ chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương.
- Tăng cường thể lực: Chất đạm trong sữa có chất lượng sinh học cao, giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động và củng cố cơ bắp, giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể.
- Tăng cường miễn dịch: Sữa tươi, sữa nguyên kem và sữa tách béo đều giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, và khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Uống sữa tươi thường xuyên giúp trẻ duy trì sức khỏe tốt, tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời nồng độ vitamin D trong máu cũng cao hơn.
2. Nguyên tắc cho trẻ uống sữa tươi
2.1. Lựa chọn loại sữa phù hợp cho trẻ
Nguyên tắc cơ bản nhất khi lựa chọn là chất lượng sữa phải phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ.
- Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nếu uống sữa tươi nên chọn sữa nguyên kem, không nên chọn sữa tách béo (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) vì lúc này não bộ của trẻ cần chất béo để phát triển.
- Đối với trẻ trên 2 tuổi nếu đã thừa cân thì nên dùng sữa tách béo một phần hoặc sữa tách béo toàn phần.
Nếu trẻ đã đủ cân nặng thì nên chọn sữa không đường để giảm bớt lượng đường hấp thu trong khẩu phần. Nếu uống sữa có đường thì sau khi uống nên súc miệng để tránh bị sâu răng (do đường bám trên men răng và bị các vi khuẩn sử dụng, sinh ra acid gây hỏng men răng), đồng thời giảm lượng đường đưa vào cơ thể từ những thực phẩm khác sao cho tổng lượng đường tiêu thụ trong ngày dưới 20g.
Sữa tươi bao gồm 3 loại là sữa vắt trực tiếp, sữa thanh trùng và tiệt trùng. Trong đó chỉ nên cho trẻ uống sữa thanh trùng (tiệt trùng) để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên uống sữa bò vắt trực tiếp vì không đảm bảo sạch vi khuẩn, có nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa cao.
Các chế phẩm làm từ sữa tươi như yaourt, phô mai, váng sữa thường được nhiều bậc phụ huynh cho trẻ từ 6 tháng tuổi sử dụng. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải để giúp trẻ làm quen với nhiều mùi vị và đa dạng hóa thức ăn. Nếu cho trẻ ăn nhiều thì hậu quả cũng giống như cho trẻ uống nhiều sữa tươi nói trên.
2.2. Thời điểm phù hợp cho trẻ uống sữa tươi
Trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi? Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chỉ nên cho trẻ dùng sữa tươi khi trẻ đã hơn 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi nên cho bú mẹ thay vì cho uống sữa tươi. Lý do vì sữa tươi có hàm lượng đạm, canxi và photpho cao, nếu cho trẻ dưới 1 tuổi uống sẽ dễ có nguy cơ bị quá tải thận. Về lâu dài có thể khiến trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp, béo phì khi trưởng thành. Ngoài ra lượng đạm cao còn gây chướng bụng, khó tiêu, làm trẻ chán ăn. Sữa tươi có ít sắt, nghèo vi lượng nên trẻ dưới 1 tuổi sử dụng sữa tươi như thực phẩm chính sẽ có nguy cơ
thiếu máu thiếu sắt, thiếu vi lượng.
Hàng ngày việc cha mẹ chọn thời điểm cho trẻ uống sữa cũng rất quan trọng. Trước các bữa ăn chính 2 giờ thì không nên cho trẻ uống sữa hoặc ăn các thức ăn vặt khác vì có thể làm trẻ no và lười ăn khi vào bữa chính. Cách tốt nhất là cho trẻ uống sữa tươi sau bữa ăn chính từ 1-2 giờ.
2.3. Cho trẻ uống bao nhiêu sữa một ngày là phù hợp?
Các bậc phụ huynh lưu ý trẻ dưới 1 tuổi thì không cho uống sữa tươi, chỉ nên bổ sung sữa tươi vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ trên 1 tuổi theo liều lượng cụ thể như sau:
- Đối với trẻ trên 1 tuổi uống sữa tươi ít, khoảng 100ml- 150ml/ ngày.
- Đối với trẻ trên 2 tuổi với liều lượng khoảng 200-300ml/ngày. Trẻ nên được xen kẽ những loại sữa công thức (dạng bột pha hay dạng pha sẵn) vì đã được bổ sung sắt, kẽm, vi chất... cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ theo các lứa tuổi.
- Đối với trẻ 2-3 tuổi trở lên, có thể cho trẻ uống lượng sữa tươi nhiều hơn khoảng 300ml-500ml/ngày, vì lúc này chế độ ăn đa dạng sẽ giúp trẻ nhận đủ các dưỡng chất và có khả năng tiêu hóa, hấp thu các thức ăn tốt hơn.
- Với thiếu niên, có thể sử dụng sữa tươi thay sữa bột và đảm bảo tổng lượng sữa từ 500-700ml/ngày. Ngoài ra cần linh hoạt kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
Lưu ý về liều lượng tiêu thụ rất quan trọng vì vẫn còn nhiều bậc phụ huynh nghĩ sữa tốt cho sức khỏe, nhất là chiều cao của con nên cứ cố “ép” con uống càng nhiều càng tốt. Thế nhưng nếu uống quá nhiều sữa trẻ sẽ dễ béo phì, hoặc trẻ không được rèn luyện thói quen nhai, lâu dài kén hoặc khó ăn các thức ăn đặc dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất xơ gây táo bón, cơ thể phát triển không toàn diện.
Ngoài việc bổ sung sữa tươi, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm,
crom, selen,
vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.